Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

Gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị gây khó khăn khi kháng cáo

Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok
2013-07-09
07092013-prevent-trial-dvvuon-family.mp3

Bà Phạm Thị Báu (trái) và Nguyễn Thị Thương
Photo Trong Duc/nld

Nghe bài này

Gia đình người nông dân nổi dậy Đoàn Văn Vươn kháng cáo bản án sơ thẩm mà tòa án Hải Phòng tuyên. Ngày xử phúc thẩm đã được thông báo; thế nhưng trong tiến trình dẫn đến phiên phúc thẩm đó, gia đình vẫn gặp nhiều ngăn trở từ phía cơ quan chức năng.

Ngày xử phúc thẩm

Thông tin về thời gian diễn ra phiên xử phúc thẩm vụ án gia đình ông Đoàn Văn Vươn chống lại đoàn cưỡng chế hồi ngày 5 tháng 1 năm ngoái được tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng đưa ra hồi ngày 5 tháng 7 vừa qua.

Theo đó từ ngày 29 tháng 7 đến ngày 2 tháng 8, tòa án nhân dân tối cao tiến hành phiên phúc thẩm công khai hai vụ án, một là vụ án giết người chống người thi hành công vụ, và hai là vụ án hủy hoại tài sản công dân, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Phạm thị Báu, tự Hiền, vợ của ông Đoàn Văn Quý, em ông Vươn cho biết hồi ngày 4 tháng 7 vừa qua, bản thân bà và bà Nguyễn Thị Thương đã được tống đạt hầu tòa phúc thẩm:

Chúng tôi nhận đầy đủ giấy tống đạt của tòa phúc thẩm rồi.

Không chấp nhận người bào chữa

Hai bà Nguyễn thị Thương và Phạm thị Báu bị tuyên án 18 và 15 tháng tù treo về tội danh chống người thi hành công vụ tại phiên sơ thẩm hồi ngày 5 tháng tư vừa qua. Trong lần phúc thẩm này, hai bà mời ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên Chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng bào chữa cho hai bà tại tòa; thế nhưng tòa phúc phẩm đã không cấp giấy chứng nhận cho ông Vũ Văn Luân.

Anh Đoàn Văn Vươn tại phiên xử ở Tòa án Hải Phòng hôm 2 tháng 4 năm 2013. RFA screen capture


Trong lần phúc thẩm này, hai bà mời ông Vũ Văn Luân, thư ký Liên Chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước Lợ huyện Tiên Lãng bào chữa cho hai bà tại tòa; thế nhưng tòa phúc phẩm đã không cấp giấy chứng nhận cho ông Vũ Văn Luân

Vào ngày 28 tháng 6 vừa qua, hai bà đã có đơn khiếu nại nêu rõ việc từ chối như thế vi phạm điểm e khoản 2 điều 50 và điều 56 Bộ Luật Tố Tụng hình sự.

Vào ngày 9 tháng 7, bà Phạm thị Báu nêu lại vấn đề sai phạm đó của tòa phúc thẩm Tòa án tối cao:

Theo Luật Tố tụng Hình sự, gia đình chúng tôi được quyền mời ông Vũ Văn Luân là người bào chữa, người bảo vệ hợp pháp cho gia đình. Thế nhưng khi chúng tôi gửi đơn lên, họ trả lời rất vô lý ‘dựa theo thông tư 03,04, 08 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao và căn cứ theo điều 50, 56 trong Bộ Luật Tố tụng Hình sự’. Thế nhưng sau khi chúng tôi nghiên cứu; không có gì đúng với câu trả lời của họ cả.

Hồi đầu tháng 7, Ban chấp hành Liên chi hội Nuôi trồng thủy sản nước lợ huyện Tiên Lãng có đơn kiến nghị về việc tòa phúc thẩm tòa án tối cao không cấp giấy chứng nhận bào chữa như vừa nêu. Ông Vũ Văn Luân, người được hai bà Nguyễn thị Thương và Phạm thị Báu mời bào chữa tại phiên phúc thẩm lên tiếng về tội danh chống người thi hành công vụ mà tòa sơ thẩm tuyên cho hai bà Thương và Báu:

Tôi đặt vấn đề chống người thi hành công vụ phải có đối tượng cụ thể; nhưng tòa án Hải Phòng không đưa ra được chống ai và địa điểm chống. Cho nên chỉ căn cứ vào việc mua bình ga, mua xăng để dùng, mua mũ len cho chồng, rào để chống trộm mà kết luận chống người thi hành công vụ; tôi hỏi tất cả những người mua mũ len cho chồng, xây tường vây chống trộm, mua xăng, mua ga về dùng tại Việt nam và trên thế giới này đều là chống người thi hành công vụ hay sao? Đây là một điều nực cười, không thể tưởng tượng được nổi cơ quan tư pháp lại ấu trĩ đến mức độ như vậy.


Tôi hỏi tất cả những người mua mũ len cho chồng, xây tường vây chống trộm, mua xăng, mua ga về dùng tại Việt nam và trên thế giới này đều là chống người thi hành công vụ hay sao? Đây là một điều nực cười, không thể tưởng tượng được nổi cơ quan tư pháp lại ấu trĩ đến mức độ như vậy

Ông Vũ Văn Luân

Không có đối tượng thì bà Thương, bà Hiền chống ai? Nếu tôi được vào tòa, tôi sẽ yêu cầu Viện Kiểm Sát và Tòa án Tối cao triệu tập tất cả những ai thi hành công vụ bị bà Thương, bà Hiền chống để làm chứng cứ mà kết án. Nếu không triệu tập được tất cả những đối tượng đó thì việc truy tố các ông ấy giết người: ai chết? và bà Thương, bà Hiền chống ai, rõ ràng vô căn cứ. Hướng của tôi là bà Thương, bà Hiền, và gia đình ông Vươn là vô tội; truy tố họ như thế là vi phạm pháp luật.

Không chấp nhận luật sư khác

Đối với các ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, và Đoàn văn Vệ, tòa án sơ thẩm kết án họ tội danh giết người và tuyên án ông Vươn và ông Quý mỗi người 5 năm tù giam, ông Sịnh 3 năm rưỡi tù giam và anh Vệ 2 năm tù giam.

Bà Phạm thị Báu cho biết trong tù các ông này có gửi giấy ủy quyền ra cho gia đình để mời luật sư bào chữa tại phiên phúc thẩm; tuy nhiên có một số cản trở như sau:

Sau hôm tống đạt, chúng tôi nhận được giấy ủy quyền của anh Vươn, anh Quý và anh Sịnh gửi ra yêu cầu mời những luật sư sau. Qua kinh nghiệm trong vụ sơ thẩm, chúng tôi muốn mời thêm luật sư Trần Vũ Hải, Hà Huy Sơn. Hôm qua luật sư Hà Huy Sơn mang giấy chứng nhận đến tòa để làm giấy chứng nhận bào chữa, nhưng tòa không chấp nhận. Lý do họ đưa ra là ba ông chỉ ủy quyền mời những luật sư theo giấy gửi ra, còn mời người khác không được chấp nhận. Chúng tôi nói, giấy ủy quyền mời chừng này người, chứ không nói chỉ mời chừng đó người mà thôi. Chúng tôi là vợ có quyền mời luật sư cho các anh ấy.


Hôm qua luật sư Hà Huy Sơn mang giấy chứng nhận đến tòa để làm giấy chứng nhận bào chữa, nhưng tòa không chấp nhận. Lý do họ đưa ra là ba ông chỉ ủy quyền mời những luật sư theo giấy gửi ra, còn mời người khác không được chấp nhận.

Bà Phạm thị Báu

Không cho gia đình thăm gặp

Như đã nêu trên, ngoài những người trong gia đình ông Đoàn Văn Vươn bị kết án trong vụ án được cho là giết người và chống người thi hành công vụ; còn có một số viên chức của huyện Tiên Lãng và xã Vinh Quang bị xử trong vụ án có tên ‘hủy hoại tài sản công dân, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bà Phạm thị Báu cho biết, từ khi những người đàn ông trong gia đình bị bắt cho đến nay, dù đã xử sơ thẩm, gia đình vẫn chưa được cho phép gặp mặt các ông trong tù. Theo bà này thì có sự phân biệt đối xử của trại giam đối với gia đình bà là người dân và với gia đình cán bộ cũng bị tòa xử án như trường hợp ông Nguyễn Văn Khanh, bà cho biết:

Vụ án ông Khanh, bà Hà ( vợ ông) được gặp từ khi chưa có kết luận điều tra, chứ chưa nói là có ngày xử; còn đối với gia đình chúng tôi họ vẫn cản một cách vô lý.

Vụ cưỡng chế đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại Cống Rộc, Tiên Lãng, Hải Phòng khiến gia đình này phải sử dụng súng hoa cải và bình ga tự chế để ngăn chặn lực lượng cưỡng chế trái pháp luật từng được xem là tiếng chuông cảnh báo về tình trạng thu hồi đất đai tùy tiện lâu nay ở khắp mọi nơi trên cả nước.

Chính thủ tướng phải lên tiếng cho rằng quyết định thu hồi đất và biện pháp cưỡng chế tại đó đều sai. Thế nhưng rồi sai phạm vẫn không được giải quyết dứt điểm và lại dẫn đến những bất bình khác qua những bản án mà tòa sơ thẩm đã tuyên khiến gia đình các bị can phải kháng cáo. Nhưng rồi tiến trình kháng án tiếp tục gây bức xúc như trình bày của những người liên quan.
Nguồn RFA.