Thứ Tư, 24 tháng 10, 2012

GS Nguyễn Minh Thuyết nói thất vọng và lo lắng cho Đảng

Có nên tin vào họ sau Hội nghị TW6?

2012-10-22
Sau hội nghị TW6, ba lãnh tụ cao nhất nước là ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều có những tiếp xúc cử tri từ Sài Gòn cho tới Hà Nội.
AFP photo
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cười tươi phía sau Tổng thư ký Tổng Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hôm 22 tháng 10 năm 2012.
Người ta chú ý trong cả ba cuộc nói chuyện đó đều có liên quan đến vần đề chống tham nhũng. Tổng bí thư cho biết sắp tới sẽ không để xảy ra những vụ như Vinashin, Vinalines, Chủ tịch nước thì yêu cầu người dân tiếp tay chống tham nhũng bằng cách chỉ rõ những cá nhân vi phạm. Trong khi đó Thủ tướng lại cho rằng cán bộ công chức nhà nước phải đề cao lòng tự trọng để khỏi rơi vào tình trạng tham nhũng.
Mặc Lâm phỏng vấn GSTS-KH Nguyễn Minh Thuyết nguyên đại biểu quốc hội và là người từng lên tiếng trước quốc hội yêu cầu ngưng chức thủ tướng Dũng trong vụ Vinashin để điều tra.

Tải xuống âm thanh

 

"Giáo dục lòng tự trọng"

Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết cảm tưởng của mình:
Tôi muốn nói thêm là theo tin tức trên báo chí mới ngày hôm trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có đến thăm Đại học Quốc gia TP.HCM, và tại đây thì ông có những ý kiến rất sâu sắc về phòng chống tham nhũng. Ông đã nói với cán bộ và sinh viên của Đại học Quốc Gia TP.HCM về đấu tranh phòng chống tham nhũng. Không phải chỉ có sử dụng pháp luật mà còn phải giáo dục cho người ta cái lòng tự trọng. Tôi thấy ý kiến này nó sâu sắc lắm. Nhưng cũng như tất cả các ý kiến khác của các nhà lãnh đạo, chúng tôi thấy là nó không bao giờ biến thành hiện thực.
Đó là điều hết sức ngạc nhiên. Các vị ấy có đầy đủ bộ máy, đầy đủ quyền lực ở trong tay mà cũng không thực hiện được những điều mình nói, thì có thể nói là những lời nói ấy không được nhân dân người ta chú ý nữa.  Mà nếu có chú ý thì người ta chú ý theo khía cạnh khác.
Mặc Lâm : Thưa Giáo Sư, theo Hội nghị Trung ương 6 thì tên của một vị trong ban bí thư trung ương đã được Tổng bí thư gọi là “một đồng chí ủy viên Bộ chính trị” và nhiều người cho rằng sự giấu giếm này rất nguy hiểm cho công cuộc chống tham nhũng. Mới đây thì Chủ tịch nước lại lên tiếng kêu gọi người dân tố cáo tham nhũng bằng cách ghi rõ cá nhân vi phạm. Việc này có mâu thuẫn với hành động của chính các ông ấy hay không ạ?
GS Nguyễn Minh Thuyết: Tôi được biết tên của vị ủy viên Bộ chính trị mà có khuyết điểm và được Bộ chính trị biểu quyết 100% đề nghị kỷ luật thì đã được nêu rõ và cũng nêu rõ cả ưu điểm – khuyết điểm trong quá trình lãnh nhiệm vụ của nhà nước giao cho trong những buổi phổ biến kết quả hội nghị trung ương 6 trong nội bộ đảng. Anh em trong đảng bộ Quốc hội người ta nghe phổ biến nghị quyết thì người ta cũng kể lại với tôi là khi phổ biến nghị quyết thì báo cáo viên đã nếu rõ tên của vị đó. Thế nhưng toàn dân thì lại không được biết rõ tên.
Ngay trong các phát biểu chính thức như vậy mà các lãnh đạo cấp cao còn tránh né không nêu tên người có khuyết điểm thì tôi nghĩ rằng bây giờ mình lại động viên nhân dân mạnh dạn phòng chống tham nhũng thì chuyện ấy rất khó.
Sự thật cho thấy như thế này, qua nhiều cuộc tổng kết khen thưởng những người có thành tích đấu tranh chống tham nhũng thì người ta thấy rằng gần như tất cả người nào đã đấu tranh chống tham nhũng thì đều bị bầm dập cả. Đều bị những áp lực ghê gớm, có những thiệt thòi ghê gớm trong đời sống. Qua đó thì thấy rằng đấu tranh chống tham nhũng không phải là dễ.
Bình thường người tham nhũng phải là người có chức có quyền. Bây giờ bảo một người dân bình thường đấu tranh như vậy đến lúc gặp khó khăn thì ai bênh vực? trong khi người ta thấy chính trong văn bản phát biểu chính thức của cấp cao mà họ còn né tránh thì dân làm sao dám?

Công cuộc chống tham nhũng

tt-nguyen-tan-dung-211012-250.jpg
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các sinh viên Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh sáng 21-10-2012. Courtesy nguyentandung.org
Mặc Lâm : Qua những dấu hiệu như thế thì có người cho là công cuộc chống tham nhũng đang lâm vào đường cùng, Giáo Sư có chia sẻ sự thất vọng này hay không, thưa ông?
GS Nguyễn Minh Thuyết : Tôi thấy có thể nói là hết sức là thất vọng mặc dù tôi cũng biết trước rằng kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng khó có thể nhìn được ngay. Có thể lường trước những cái phức tạp, những cái khó khăn khi mà hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thảo luận, bàn bạc về kết quả kiểm điểm của các vị lãnh đạo tối cao theo tinh thần của Nghị Quyết 4 của Ban chấp hành Trung ương.
Có thể nói sau khi nghe kết quả thì tôi cũng hết sức thất vọng. Tôi cũng nói thật với ông là bây giờ tôi không đọc các bài báo đề cập tới vấn đề ấy nữa. Và nếu mà anh em báo chí trong nước có hỏi thì tôi cũng không trả lời về vấn đề ấy vì tôi thấy không để làm gì cả. Mình chỉ nói khi nào tiếng nói của mình có người nghe, có người tiếp thu, và mình thấy thực sự là người ta cũng đã có những động thái nhất định để chống tham nhũng và có những kết quả trong việc chống tham nhũng.
Thực ra thì lời nói và việc làm của người ta hoàn toàn không đi đôi với nhau và mình nói ra thì cũng chả giải quyết được vấn đề gì. Và nói thật là anh em báo chí trong nước người ta chả dám đăng những lời lẽ nói thật của mình. Cần lưu ý rằng kết quả này là kết quả gây bức xúc cho đại bộ phận người dân, và đó là điều tôi thấy là rất đáng lo lắng.
Mặc Lâm : Đối với người dân thì tham nhũng ăn dần váo chén cơm manh áo của họ, còn đối với 3 triệu đảng viên thì lòng tin của họ đặt vào đảng đang bị tham nhũng ăn mòn. Giáo Sư có nghĩ rằng sẽ có một cuộc trở mình nào đó xảy ra ngay trong lòng Đảng CSVN hay không, nếu tình hình cứ tiếp tục diễn tiến như thế này?
GS Nguyễn Minh Thuyết : Mỗi một người ở một ví trí khác nhau, có những điều kiện sống khác nhau, và sự gắn bó mật thiết với đảng, với chế độ cũng khác nhau, cho nên là có thể suy nghĩ của người ta cũng không hoàn toàn là giống nhau. Tất cả những người mà tôi đã gặp, đã nói chuyện thì đều bày tỏ sự bất bình, sự bức xúc rất to lớn sau khi trung ương họp lại có một kết quả đáng buồn như vậy. Tôi nghĩ rằng có thể ở trong trường hợp chúng ta đã đề cập thì tốt nhất là nên có hành động thể hiện sự tự trọng của mình, đó là từ chức. Bởi vì không thể nào vì sĩ diện hay quyền lợi cá nhân mà lại để mất mát niềm tin của người dân quá lớn như vậy, và chấp nhận mất mát uy tín của một đảng chính trị, của một chế độ lớn như vậy.
Thực ra sự việc này nó chỉ làm cho người dân càng hiểu rõ hơn đà phát triển của xã hội Việt Nam. Còn ông nói là nó dẫn đến một kết quả đổ vỡ gì thì tôi cũng phải nói thật là ở Việt Nam sự việc ấy nó sẽ kéo dài rất lâu chứ nó cũng không phải là đơn giản .
Mặc Lâm : Xin cảm ơn GS Nguyễn Minh Thuyết đã giúp cho chúng tôi hoàn thành cuộc phỏng vấn ngày hôm nay.